Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, cha ông ta chẳng những đã để lại cho chúng ta một dải non sông tươi đẹp mà còn xác lập được một tuyến biên giới quốc gia tồn tại gắn liền với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Nắm vững quy luật khách quan, vận dụng kinh nghiệm cha ông vào điều kiện lịch sử mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là yêu cầu tất yếu của cách mạng; là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, chống thù trong giặc ngoài để giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc ở biên giới; giữ gìn an ninh trật tự; thực hiện đường lối đối ngoại, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta với các nước láng giềng.
Bác Hồ đến thăm các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Biên giới 1950. |
Những năm sau hòa bình được lập lại trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm thấy rõ công tác bảo vệ giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ miền Bắc có tầm quan trọng đặc biệt và đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cần tập trung lãnh đạo.
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963. |
Trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới, để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và nội địa, đòi hỏi phải có lực lượng vũ trang chuyên trách vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý bảo vệ biên giới, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi. Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) ra Nghị quyết số 58/NQ - TW và ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg “Về việc thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát Vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác Biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, quản lý”. Do đó từ năm 1959 đến nay, ngày 03/3 hàng năm chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng.
Tại lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự, huấn thị và tặng cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng bài thơ:
“Đoàn kết cảnh giác
Liêm chính, kiệm cần
Hoàn thành nhiệm vụ
Khắc phục khó khăn
Dũng cảm trước địch
Vì nước quên thân.
Trung thành với Đảng
Tận tụy với dân”.
Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang); cấp tỉnh, thành có Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, thành; cấp cơ sở có các đồn biên phòng và đơn vị cơ động.
Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng, trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ BĐBP rất vinh dự tự hào, thường xuyên được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 02/3/1962, tại Đại hội chiến sỹ thi đua Công an nhân dân vũ trang toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã biểu dương thành tích và tặng toàn lực lượng bài thơ:
“Non xanh nước biết trùng trùng
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao
Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu
Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.
Trải qua 59 năm vừa công tác, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, lực lượng bộ đội biên phòng trưởng thành về mọi mặt. Làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, bộ đội biên phòng luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, dựa vào Nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, kiên cường dũng cảm trong chiến đấu, phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng đánh bại kẻ thù xâm lược, giữ vững biên cương bờ cõi của Tổ quốc.
TTVH