Từ sự nghiệp, cuộc đời và đạo đức trong sáng, thanh cao của Người, Bác Hồ đã trở thành con người lý tưởng, một mục tiêu cao đẹp lôi cuốn sự phấn đấu vươn tới của bao thế hệ tuổi trẻ cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, vấn đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thành chuyện thường ngày của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể. Việc giáo dục toàn dân, nhất là thanh thiếu nhi học tập tu dưỡng theo gương Bác được xem như một quá trình, một nội dung giáo dục xuyên suốt mọi hoạt động giáo dục, được các ngành chức năng giáo dục phối hợp tiến hành một cách lâu dài, có kế hoạch cụ thể.
Về lý luận, lý tưởng của cá nhân là sự phản ánh hiện thực khách quan trong bộ não của con người. Nó là một hiện tượng tâm lý mà trong đó có sự hòa hợp cao độ của nhận thức sâu sắc, tình cảm mạnh mẽ và ý chí vững vàng. Quá trình hình thành lý tưởng của cá nhân bao giờ cũng là một quá trình nhận thức, suy tư trăn trở. Lý tưởng của cá nhân bao giờ cũng là một mục tiêu luôn luôn vẫy gọi ở phía trước, đòi hỏi cá nhân sự nỗ lực vươn cao hơn bản thân mình, luôn luôn là một cái gì thuộc về một tương lai đầy hứa hẹn và chắc chắn là tết đẹp hơn cái đang có trong hiện tại. Nhà thơ Tố Hữu đã bộc bạch lòng mình khi gặp được lý tưởng với nỗi niềm thiết tha, cháy bỏng:"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim".
Nhận thức sâu sắc, tình cảm mạnh mẽ là hai yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng lý tưởng. Tuy nhiên, lý tưởng chỉ thực sự có ý nghĩa đối với đời sống và sự phát triển của cá nhân cũng như của xã hội khi nhận thức sâu sắc ấy, tình cảm mạnh mẽ ấy thúc đẩy con người hoạt động để vươn tới. Hoạt động chính là khâu quyết định để biến lý tưởng từ cái được phản ánh trong đầu óc con người thành cái đạt được trong hiện thực. Cũng trong quá trình hoạt động để thực hiện lý tưởng, cá nhân tất yếu gặp phải những khó khăn trở ngại. Bởi vậy, Bác Hồ đã dạy: "Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao".
Để giáo dục thanh niên noi gương Bác, cần phải làm cho thanh niên hiểu sâu hơn nữa về Bác, cho họ hiểu rằng Bác đã chiến đấu hy sinh như thế nào để trở thành một con người tuyệt vời như thế; những người được sinh ra khi Bác đã đi xa mà thấy như Bác còn sống mãi với đời, vẫn là người dẫn dắt trong mỗi bước đi, trong mỗi việc làm, khích lệ vượt qua những thử thách gian nan của cuộc đời. Điều quan trọng là: lý tưởng không dừng lại ở mức độ nhận thức sâu sắc được mục tiêu, xây dựng được một hình tượng lý tưởng, cũng không dừng lại ở chỗ khâm phục, chiêm ngưỡng hay tôn sùng hình tượng ấy mà phải là một quá trình hoạt động tích cực, kiên trì để từng bước, từng bước thực hiện được lý tưởng. Nhận thức sâu sắc là để hành động cho đúng, tình cảm mạnh mẽ cũng là để thúc đẩy hành động cho tích cực. Bởi thế tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho đối tượng là một khâu được coi là chủ yếu trong toàn bộ công tác giáo dục lý tưởng cũng như công tác giáo dục nói chung. Bác Hồ chỉ ra rằng: "Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội".
|
Tuổi trẻ là tuổi giàu mơ ước, đầy khát vọng vươn lên và luôn luôn muốn tự khẳng định mình. Đồng thời tuổi trẻ cũng là tuổi tràn trề sinh lực, có nhu cầu hoạt động cao, coi thường khó khăn gian khổ, đúng như lời Bác đã đánh giá trong di chúc của Người: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Giáo dục lý tưởng cho thanh niên, phải biết giúp đỡ họ nuôi dưỡng những ước mơ đẹp đẽ, đáp ứng những khát vọng chính đáng của họ bằng cách tạo nên những môi trường hoạt động phong phú, tập hợp họ lại trong một tổ chức chặt chẽ, đặt mỗi người vào một vị trí nhất định trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn xã hội, tạo những điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để họ có thể đứng vững trên vị trí ấy mà xây dựng, củng cố và thực hiện lý tưởng.
Nguyễn Ngọc Cơ